Xã hội và văn hóa Dị tính luyến ái

Xem thêm: Lịch sử tính dục ở người và chiến lược giao phối ở người

Một cặp đôi dị tính, một nam và một nữ trong một mối quan hệ tình cảm thân mật, là cốt lõi hình thành các gia đình hai thế hệ.[6] Nhiều xã hội xuyên suốt quá trình lịch sử từng đòi hỏi một cặp đôi phải kết hôn trước khi chung sống, nhưng việc áp dụng hay tuân thủ điều lệ này đã thay đổi đáng kể.

Biểu tượng

Hệ thống những biểu tượng dị tính có lịch sử từ những chế tác sớm nhất của loài người, với những biểu tượng giới, đồ khắc cho nghi lễ cầu sự sinh sôi nảy nở, và trong nghệ thuật nguyên thủy. Về sau, những biểu tượng đó được thể hiện thông qua tính tượng trưng của các nghi lễ cầu sinh sôi nảy nở và việc thờ phụng đa thần, thường có những hình ảnh cơ quan sinh sản của con người, như Lingam trong đạo Hindu. Những biểu tượng dị tính hiện đại trong các xã hội bắt nguồn từ truyền thống châu Âu và vẫn có liên hệ tới những biểu tượng được sử dụng trong những tín ngưỡng cổ này. Một trong số đó là sự kết hợp biểu tượng của Mars, thần chiến tranh La Mã, biểu tượng tối cực của nam tính, và Venus, nữ thần tình yêu và sắc đẹp La Mã, biểu tượng tối cực của nữ tính. Kí tự Unicode cho biểu tượng kết hợp này là ⚤ (U+26A4).

Góc nhìn lịch sử

Vốn không cần tạo ra khái niệm dị tính cho đến khi có một khái niệm khác để tương phản và so sánh với từ này. Jonathan Ned Katz xác định thời điểm định nghĩa của dị tính luyến ái được dùng với nghĩa như ngày nay là từ cuối thế kỉ 19. Theo như Katz, vào thời Victoria, tình dục được xem như một cách thức để sản sinh thế hệ sau, và người ta không cho rằng mối quan hệ giữa các giới tính là gợi dục rõ ràng. Cơ thể được coi là một công cụ để sinh sản, "năng lượng của con người, được coi như một hệ thống khép kín và vô cùng có giới hạn, từng chỉ dùng để sinh con và dùng trong công việc, không phải để phí phạm vào những khoái cảm dâm dục".

Katz tranh luận rằng những tư tưởng hiện đại về tính dục và nhục dục bắt đầu mở mang ở Đức ở phần sau thế kỉ 19. Nền kinh tế biến chuyển và "sự thay đổi trong gia đình từ cả người làm tới người hưởng dụng" dẫn tới những thay đổi về giá trị đạo đức. Đạo đức nghề nghiệp thời Victoria đã thay đổi, khoái cảm được coi trọng hơn nhiều, và điều này mở đường cho sự biến chuyển trong những tư tưởng về tính dục ở người. Văn hóa tiêu dùng đã tạo ra một thị trường cho nhục dục, khoái cảm trở thành hàng hóa. Cũng thời điểm ấy, các bác sĩ y khoa bắt đầu có thêm quyền lực và ảnh hưởng. Họ phát minh một mẫu hình y khoa của "tình yêu bình thường", trong đó người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh tận hưởng tình dục như một phần của "lý tưởng mới về mối quan hệ nam nữ, bao gồm sự gợi dục cần thiết, tất yếu, bình thường". Hình mẫu này cũng có một bản trái ngược, đó là "Kẻ biến thái thời Victoria", hàm chỉ tất cả những ai khác với chuẩn mực xã hội. Sự đối ngược căn bản của các giới tính là nền tảng cho những thu hút tình dục bình thường và lành mạnh. "Sự chú ý đối với những bất thường về tình dục tạo ra nhu cầu đặt tên cho những chuẩn tình dục thông thường, để dễ dàng tách bạch những người nam và nữ bình thường với thứ lệch lạc ấy". Sự tạo thành khái niệm dị tính củng cố sự tồn tại trong xã hội của những trải nghiệm dị tính đã có từ trước và đặt ra ý niệm về tính tiêu chuẩn được bảo đảm, xác thực của nó.

Góc nhìn tôn giáo

Xem thêm: Tôn giáo và tính dục

Nhiều tôn giáo khởi nguồn từ Abraham tin rằng Adam và Eva là cặp đôi loài người đầu tiên và là tổ tiên của nhân loại.

Trong đạo Hindu, Shinvalingam (dương vật của Shiva) và Yoni (tử cung của Shakti) thường được tôn thờ như một biểu tượng dị tính của quyền lực tối thượng

Truyền thống Do TháiCơ Đốc có một số đoạn kinh liên quan tới dị tính luyến ái. Sách Sáng thế nói rằng Chúa tạo ra phụ nữ bởi "Đàn ông một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho hắn một trợ tá tương xứng với hắn", sách Sáng Thế  2:18 (bản của vua James) và rằng "Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt", sách Sáng thế 2:24 (bản của vua James). Trong I Cô-rinh-tô (I Corinthians), người Cơ Đốc giáo được răn rằng:

Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi: đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người hãy có vợchồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh. (bản Quốc tế mới)

Phần lớn những truyền thống tôn giáo trên thế giới dành từ hôn lễ cho sự kết hợp dị tính, nhưng cũng có những ngoại lệ, trong đó có một số truyền thống Phật giáoHindu giáo, người theo Phổ Quát Nhất Thể giáo, Giáo hội Cộng đồng Metropolitan, một số giáo khu Anh giáo, một số giáo đoàn của: Giáo Hữu Hội, Giáo hội Canada, Do Thái giáo cải cách và bảo thủ.

Hầu hết các tôn giáo tin rằng quan hệ tình dục giữa người đàn ông và phụ nữ được cho phép, nhưng có một số tôn giáo tin rằng đó là tội lỗi, như người Shaker, Hiệp hội hòa bình, và Tu viện Ephrata. Những tôn giáo này thường coi tất cả mối quan hệ thể xác là tội lỗi, và đề xướng việc thề sinh sống độc thân. Một số tôn giáo yêu cầu phải sống độc thân cho một số chức vụ, chẳng hạn như linh mục Công giáo, tuy nhiên, Giáo hội Công giáo cũng coi việc kết hôn dị tính là thiêng liêng và cần thiết.[6]

Định chuẩn hóa dị tính và tư tưởng thượng tôn dị tính

Xem thêm: Phong trào cựu đồng tính, Tổ chức dị tính vì một môi trường đạo đức và Hiệp hội quốc gia về nghiên cứu và liệu pháp cho đồng tính luyến ái

Hình ảnh thường được in trên áo phông Lễ Tự hào Dị tính.

Định chuẩn hóa dị tính biểu thị hoặc liên quan tới quan điểm đề xướng dị tính luyến ái là chuẩn mực hay được ưu ái hơn của con người. Quan điểm này có thể áp đặt những vai trò giới nghiêm ngặt cho nam và nữ giới. Khái niệm này được phổ biến bởi Michael Warner vào năm 1991.[7] Nhiều học giả về giới và tính dục lập luận rằng dị tính bắt buộc, việc khẳng định những chuẩn mực dị tính lặp đi lặp lại liên tục, là một khía cạnh của  thượng tôn dị tính. Dị tính luyến ái bắt buộc là tư tưởng mà dị tính ở nữ giới bị áp đặt và củng cố bởi xã hội phụ hệ. Dị tính luyến ái khi ấy được nhìn nhận như xu hướng hay nghĩa vụ tự nhiên của hai giới tính. Vì vậy, những ai khác biệt với tiêu chuẩn dị tính bị coi là lệch lạc, ghê tởm.

Tư tưởng thượng tôn dị tính là một dạng thiên vị hay kì thị có lợi cho tính hướng và mối quan hệ khác giới. Tư tưởng này có thể bao gồm nhận định rằng tất cả mọi người đều là người dị tính và có thể bao gồm nhiều kiểu kì thị với người đồng tính nam và nữ, người song tính, người vô tính, người linh hoạt thiên dị tính, hay người chuyển giới và các cá nhân phi nhị nguyên giới.

Lễ tự hào dị tính là một khẩu hiệu nổi lên trong cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, được sử dụng chủ yếu bởi các hội nhóm xã hội bảo thủ như là một lập trường và chiến lược chính trị. Khái niệm này được mô tả là phản hồi cho tự hào đồng tính,cụm từ được dùng bởi nhiều hội nhóm LGBT vào đầu những năm 1970 hoặc những nơi cho phép tổ chức các phong trào tự hào đồng tính.[8]